BÀI VIẾT CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”
Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước do đó không chỉ các bậc phụ huynh mà tất cả mọi người đều phải cần chung tay để bảo vệ các quyền của trẻ em. Trong xã hội hiện nay, tình trạng bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em liên tục xảy ra, tạo nên nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh, những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và là nỗi bức xúc của của toàn thể xã hội.
Thời gian gần đây, hiện tượng này bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn diễn ra ngay trong gia đình, nơi được coi là tổ ấm của các em. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để lại những hậu quả, tổn hại lâu dài, khó khắc phục cho chính các em và cộng đồng.
Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.
CÁC HÀNH VI XÂM HẠI TRẺ EM PHỔ BIẾN:
1. Bạo lực trẻ em
2. Bóc lột trẻ em
3. Xâm hại tình dục trẻ em
4. Mua bán trẻ em
5. Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em
6. Các hành vi khác gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em.
Các hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em là nạn nhân và gia đình của các em.
CÁC BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC:
1. Không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm
2. Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác
3. Tránh xa người lạ mặt
4. Không cho người lạ mặt vào nhà
5. Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác khi đi một mình và có người lạ đi theo mình
6. Báo ngay cho cha mẹ khi trẻ bị đe dọa hoặc không thích bất kỳ người nào
7. Cách xử lý khi bị xâm hại tình dục:
- Cố gắng gần gũi con, khuyến khích con cởi mở tâm trạng.
- Tùy vào mức độ của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có thể nói chuyện với con về sự việc đã xảy ra ở mức độ cụ thể nhất định.
- Không để cho con có cảm giác phải che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng mình.
- Đưa trẻ đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.
- Sử dụng các liệu pháp tâm lý để chữa trị chấn thương tâm lý cho trẻ.
Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bị bạo hành, xâm hại dù bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi đó như thế nào.
Liên hệ đường dây nóng 111 hoặc phòng bảo trợ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới 0251.384.2119 để được hỗ trợ