logo

Tầm soát ung thư

21-05-2023 21:51 6342

TẦM SOÁT UNG THƯ

1. Tầm soát ung thư là gì ?

Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư ở giai đoạn tiền ung thư, có thể can thiệp rất hiệu quả và ngăn ngừa diễn tiến thành ung thư.

Tầm soát ung thư còn giúp phát hiện sớm ung thư, từ đó lên kế hoạch điều trị sớm.

2. Vì sao cần tầm soát ung thư ?

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1/ 3 tổng số các ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 tổng số các ung thư có thể tầm soát phát hiện sớm.

Theo thống kê của Bệnh viện K (Hà Nội), chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/năm. Trong đó Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả khoảng 51,87 triệu đồng (chiếm 29,3% chi phí điều trị). Điều đáng buồn là có tới 33,8% bệnh nhân ung thư hiện nay không thể chi trả tiền thuốc men.

Việc tầm soát ung thư giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, phát hiện sớm, điều trị sớm từ đó giảm bớt tỉ lệ tử vong, chi phí điều trị do ung thư.

 

3. Các ung thư nào có thể tầm soát hiệu quả và nên tầm soát ung thư nào ?

Các loại ung thư đáp ứng những tiêu chí như: có giai đoạn tiền ung thư kéo dài, có phương tiện tầm soát hiệu quả, có diễn tiến chậm khi bệnh còn sớm, điều trị được tốt ung thư ở giai đoạn sớm …là đối tượng của chương trình tầm soát ung thư.

Tùy theo gánh nặng ung thư của từng địa phương, từng quốc gia, nguồn lực thực hiện chương trình tầm soát, khả năng chẩn đoán, phát hiện và xử trí hiệu quả các tổn thương tiền ung thư mà mỗi quốc gia, địa phương có các chương trình tầm soát ung thư khác nhau (tầm soát cộng đồng, tầm soát cá nhân).

4. Tầm soát ung thư được thực hiện cho ai và như thế nào ?

Tầm soát ung thư được khuyến khích thực hiện và nên đưa vào các chương trình tầm soát cộng đồng cho nhóm dân số nguy cơ trung bình – cao. Mỗi loại ung thư đều có những yếu tố nguy cơ khác nhau: yếu tố gia đình, di căn, tiền căn phơi nhiễm các tác nhân sinh ung, tiền căn bệnh lý, độ tuổi, chế độ sinh hoạt, thói quen..

Phương tiện để tầm soát ung thư là các phương pháp để tìm tổn thương tiền ung. Có thể là nhìn trực tiếp, xét nghiệm hình ảnh: Nhũ ảnh, CT scan, siêu âm, nội soi…, xét nhiệm tế bào: cổ tử cung, hốc miệng…, xét nghiệm sinh học phân tử: gen, HPV, HBV, HCV…

Xét nghiệm tầm soát không đồng nghĩa chẩn đoán bởi nó có những hạn chế riêng: giá trị khoa học, đặc tính kỹ thuật, giá trị kinh tế…Bởi vậy kết quả tầm soát dương tính phải được xác định bằng các xét nghiệm chẩn đoán để xác định tổn thương tiền ung hay ung thư.

5. Ở Việt Nam, các ung thư nào nên được ưu tiên tầm soát?

Tại Việt Nam theo GLOBOCAN năm 2020, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.

Vì vậy, ở Việt Nam, chúng ta nên ưu tiên tầm soát, phát hiện sớm cho ung thư cổ tử cung, ung thư gan, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi.

6. Khuyến cáo tầm soát một số ung thư thường gặp

a. Ung thư cổ tử cung

Phân nhóm nguy cơ

-    Nguy cơ trung bình: phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi, đã quan hệ tình dục

-    Nguy cơ cao: có tiền căn điều trị tổn thương tiền ung thư hay ung thư cổ tủ cung giai đoạn thật sớm

Phương tiện tầm soát

-    Nguy cơ trung bình: Từ 21 – 65 tuổi dùng xét nghiệm tế bào học (PAP) mỗi 2 năm, nếu sau 3 lần liên tiếp âm tính thì có thể giãn thời gian tầm soát mỗi chu kỳ thêm 1- 2 năm. Trên 65 tuổi, có thể ngừng nếu đã tầm soát đủ. Tầm soát bằng xét nghiệm HPV tập trung thực hiện cho phụ nữ từ 25 – 65 tuổi với chu kỳ mỗi 3 năm.

-    Nguy cơ cao: Sau xử trí tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (khoét chóp)  nên xét nghiệm HPV sau 6 tháng. Ở người được cắt tử cung vì tổn thương tiền ung thư nên xét ngiêm HPV mỗi năm trong vòng 3 năm.

 

b. Ung thư vú

Phân nhóm nguy cơ

-    Nguy cơ trung bình: tất cả phụ nữ >= 40- 45 tuổi và không thuộc nhóm nguy cơ cao

-    Nguy cơ cao: phụ nữ đã xác định hay có rất nhiều nguy cơ có mang đột biến BRCA, có các hội chứng di truyền nguy cơ cao: hội chứng Cowden, hội chứng Li- Fraumeni, hội chứng Peutz- Jeghers.., có tiền sử xạ trị vào ngực, mô vú đặc, có nguy cơ mắc ung thư vú suốt đời khoảng 20- 25% hoặc cao hơn theo các công cụ đánh giá rủi ro chủ yếu dựa trên tiền sử gia đình

Phương tiện tầm soát

-    Nguy cơ trung bình: Bắt đầu tầm soát định kỳ ở tuổi 40 – 45 bằng chụp Nhũ ảnh mỗi năm cho đến khi tình trạng sức khỏe tổng quát còn tốt và ước lượng tuổi thọ còn ít nhất 10 năm.

-    Nguy cơ cao: Bắt đầu tầm soát định kỳ ở tuổi 30 bằng Nhũ ảnh và Cộng hưởng từ tuyến vú mỗi năm cho đến khi tình trạng sức khỏe. tổng quát còn tốt và ước lượng tuổi thọ còn ít nhất 10 năm.

 

c. Ung thư đại trực tràng

Phân nhóm nguy cơ

-    Nguy cơ trung bình: tất cả mọi người từ 40- 50 tuổi trở lên, không có các yếu tố nguy cơ tăng cao.

-    Nguy cơ tăng cao: tiền căn gia đình mắc ung thư đại trực tràng, tiền căn bản thân bị viêm loét đại tràng, polyp đại tràng, nguy cơ rất cao khi mắc  hội chứng gia đình FAP, hội chứng Lynch

Phương tiện tầm soát

-    Nguy cơ trung bình: bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng lúc 45 tuổi, có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau: tìm máu ẩn trong phân mỗi năm, xét nghiệm DNA trong phân mỗi 3 năm, soi đại tràng sigma mỗi 5 năm, soi toàn bộ đại tràng mỗi 10 năm, chụp đại tràng đối quang kép mỗi 5 năm, chụp CT soi đại tràng ảo mỗi 5 năm.

-    Nguy cơ tăng cao: bắt đầu tầm soát lúc 40 tuổi tương tự nguy cơ trung bình ( thay đổi thời gian làm xét nghiệm tùy tiền sử gia đình), đối với nhóm có mang gen dễ bị hay có nguy cơ hội chứng đa polyp tuyến gia đình nên soi sigma mỗi năm, bắt đầu 10- 12 tuổi, với nhóm có mang gen dễ bị hay có nguy cơ ung thư đại tràng không đa polyp di truyền nên soi đại tràng mỗi 1- 2 năm, bắt đầu từ 20- 25 tuổi hay sớm hơn 10 năm sơ với tuổi của người trẻ nhất trong gia đình được chẩn đoán (tùy điều kiện nào tới trước).

 

d. Ung thư phổi

Phân nhóm nguy cơ

Nguy cơ thấp: tất cả mọi người < 50 tuổi và / hoặc hút thuốc lá dưới 20 bao/ năm.

-  Nguy cơ cao: tất cả mọi người từ 50 tuổi và hút thuốc lá từ 20 bao/năm trở lên.

Phương tiện tầm soát:

-  Nguy cơ thấp: không khuyến cáo tầm soát.

-  Nguy cơ cao: phương tiện tầm soát là chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp. Nếu phát hiện tổn thương nốt mờ sẽ tiếp cận chẩn đoán và theo dõi nốt mờ phổi. Trong trường hợp không phát hiện tổn thương thì khám sàng lọc hàng năm. Việc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp ngoài tầm soát ung thư phổi còn có thể phát hiện các tổn thương khác: giãn phế nang, vôi hóa mạch vành, giả phình động mạch chủ

 

e. Ung thư gan

* Phân nhóm nguy cơ

-  Nguy cơ cao: các trường hợp nhiễm HBV mạn và HBV mạn chưa điều trị, đang điều trị và đã ngưng điều trị bằng thuốc kháng virus, các trường hợp xơ gan không liên quan đến nhiễm virus viêm gan.

Nguy cơ rất cao: các trường hợp xơ gan có liên quan đến viêm gan do virus (HBV, HCV).

Phương tiện tầm soát

Tầm soát bằng siêu âm bụng và xét nghiệm phối hợp các chỉ dấu sinh học AFP, AFP – L3, PIVKA II.

-  Tầm soát mỗi 6 tháng đối với nhóm nguy cơ cao và mỗi 3 tháng đối với nhóm nguy cơ rất cao. Nếu phát hiện có tổn thương nghi ngờ ung thư biểu mô tế bào gan và/hoặc giá trị các chỉ dấu sinh học tăng thì nên chụp CT ssan bụng có cản quang hoặc MRI bụng có tương phản từ

7. Phòng ngừa ung thư

Theo nghiên cứu trên 80% ung thư là do yếu tố môi trường bên ngoài, khoảng 5-10% là do yếu tố di truyền, một số bệnh ung thư lại tiến triển từ các căn bệnh khác có nguyên nhân do vi khuẩn, virus gây ra như bệnh viêm gan, viêm loét dạ dày…

Thực tế nhiều các loại ung thư đều xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt, luyện tập thể dục, thể thao không đúng cách. Ung thư hiện nay vẫn là một nỗi sợ của nhiều người nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh giảm được nguy cơ được nếu chúng ta biết xây dựng cho mình một chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao và sinh hoạt hợp lý…